Cách từ chối phỏng vấn khéo léo ai cũng phải biết

Trong cuộc sống, nói lời từ chối đúng nơi, đúng lúc sẽ là một lựa chọn tốt nhất dành cho bạn. Trong công việc cũng thế, đôi khi có những buổi phỏng vấn bạn nên từ chối vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, làm thế nào để từ chối một cách khéo léo, không gây mất lòng và giữ hình ảnh đẹp trong mắt nhà tuyển dụng? Hãy cùng tham khảo bài viết ngay sau đây nhé!

Những lý do bạn nên từ chối phỏng vấn

Trong công việc, có những lúc bạn sẽ nhận được nhiều lời mời tham gia phỏng vấn. Thông thường, bạn nên tham gia các buổi này để tìm hiểu về công ty và có thêm kinh nghiệm cho những lần sau. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, từ chối một buổi phỏng vấn cũng là lựa chọn tốt hơn cả. Vậy trong những trường hợp nào bạn nên từ chối là tốt nhất?

  • Bạn vừa nhận được một lời mời làm việc từ công ty khác và bắt đầu công việc
  • Bạn đã tham gia phỏng vấn nhiều nơi và tìm được một công việc phù hợp
  • Bạn nhận thấy công ty mới không có cơ hội thăng tiến, môi trường và con người đều không phù hợp với bạn
  • Bạn có những người quen làm việc ở đây và biết được rằng công ty này không phù hợp vì nhiều lý do khách quan
  • Bạn nhận được lời mời tham gia phỏng vấn ở công ty khác tốt hơn.

Có rất nhiều lý do để bạn không tham gia một buổi gặp gỡ đầu tiên với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, nếu bạn có tham gia hay không đi nữa thì việc cần làm đó là gửi email cho công ty để xác định bạn có đến phỏng vấn hay không. Đó là một phép lịch sự tối thiểu giúp bạn thể hiện mình là người có văn hóa và tôn trọng công ty. Hãy học cách từ chối phỏng vấn chân thành, lịch sự, giúp giữ những mối quan hệ và hình ảnh đẹp trong mắt nhà tuyển dụng.

Cách từ chối phỏng vấn qua email

Email là hình thức giúp bạn từ chối phỏng vấn một cách khéo léo. Bạn hãy soạn một email trang trọng và chân thành để gửi đến nhà tuyển dụng với đầy đủ các nội dung như email mẫu sau:

Tiêu đề: Thư từ chối phỏng vấn – Họ tên bạn – Vị trí công việc

Kính gửi: Công ty/người tuyển dụng

Tôi rất vui khi nhận được lời mời tham gia phỏng vấn cho (vị trí) tại quý công ty. Tuy nhiên, tôi rất tiếc khi không tham gia phỏng vấn vào (ngày, giờ) vì (lý do).

Tôi rất mong sẽ có cơ hội hợp tác với quý công ty trong tương lai. Chân thành cảm ơn quý anh/chị vì đã sắp xếp thời gian của quý công ty dành cho tôi.

Trân trọng.           

Hãy để nhà tuyển dụng nhận thấy được sự tôn trọng của bạn dành cho công ty ngay cả khi bạn không làm việc cho họ. Hơn thế nữa, bạn có thể đề cập đến việc giới thiệu một người khác phù hợp hơn cho vị trí công việc đó.

Cách từ chối qua thư

Ngoài việc gửi email, thư cũng là cách giúp bạn thể hiện lịch sự khi từ chối phỏng vấn. Một lá thư từ chối trang trọng sẽ giúp nhà tuyển dụng nhận thấy được thành ý và thiện chí của bạn ngay cả khi không làm việc tại công ty.

Nội dung thư cũng tương tự như bạn viết email, cần đảm bảo đầy đủ các yếu tố cần thiết. Bạn có thể sử dụng thư có sẵn, nhưng viết tay sẽ là tốt hơn cả. Điều đó giúp bạn thể hiện được sự tôn trọng và lịch sự dành cho công ty và nhà tuyển dụng.

Những lưu ý khi từ chối lời mời phỏng vấn

  • Thời gian: bạn hãy gửi email đến nhà tuyển dụng trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong vòng 24 giờ kể từ khi bạn nhận được thư từ phòng nhân sự.
  • Nội dung ngắn gọn, đầy đủ: hãy đi thẳng vào lý do tại sao bạn viết thư từ chối và bày tỏ sự tiếc nuối khi không có cơ hội làm việc tại công ty.
  • Giới thiệu ứng viên khác: nếu có cơ hội hãy giới thiệu một ứng viên khác phù hợp hơn cho công ty.
  • Gọi điện thoại sau khi gửi mail/thư: để chắc chắn nhà tuyển dụng đã nhận được mail, bạn có thể gọi đến nhà tuyển dụng để xác nhận là tốt nhất.

Đừng để nhà tuyển dụng chờ đợi bạn trong buổi gặp mặt đầu tiên rồi bạn không đến và thậm chí là “im hơi lặng tiếng” sau đó. Hãy viết một email hay lá thư thể hiện sự chân thành và tôn trọng công ty ngay cả khi bạn từ chối tham gia phỏng vấn. Một lá thư/email không tốn quá nhiều công sức mà còn giúp bạn giữ gìn mối quan hệ với công ty và hình ảnh đẹp trong mắt nhà tuyển dụng.

Author: RSsession