Giới thiệu bản thân trong CV – 4 bước trình bày giúp bạn “ghi điểm” với mọi nhà tuyển dụng

Có nhiều người cho rằng, ngày nay nhà tuyển dụng sẽ quan trọng CV hơn là bằng cấp chuyên môn. Bởi lẽ họ muốn biết về kỹ năng và kinh nghiệm làm việc thực tế của ứng viên hơn là những lý thuyết đã học tại trường. Chính vì thế, một bản CV “đẹp” luôn thu hút sự quan tâm từ nhà tuyển dụng. Vậy làm thế nào để có một bản CV ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng? Cách giới thiệu bản thân trong CV như thế nào?

Giới thiệu những thông tin cá nhân

Thông tin cá nhân là nội dung quan trọng phải có ở phần giới thiệu bản thân trong CV. Thông tin này bao gồm: họ tên, tình trạng hôn nhân, thông tin liên lạc. Đây là những yếu tố cơ bản mà nhà tuyển dụng mong muốn biết về ứng viên của mình.

Trong phần thông tin liên lạc, bạn nên nêu đầy đủ về nơi ở, số điện thoại, địa chỉ email để người phỏng vấn có thể liên lạc dễ dàng với ứng viên khi cần thiết. Bạn lưu ý, giới thiệu những thông tin cá nhân không cần thiết phải quá dài dòng. Tốt nhất bạn nên trình bày một cách ngắn gọn và rõ ràng để nhà tuyển dụng có thể theo dõi và liên hệ với bạn. Nên nhớ rằng, hãy cho nhà tuyển dụng email và số điện thoại bạn thường xuyên sử dụng, tránh việc số điện thoại không liên lạc được hoặc email bạn không truy cập.

Phần mô tả ngắn về bản thân

Bên cạnh đó, đoạn mô tả ngắn về bản thân cũng rất quan trọng. Trong phần này bạn có thể nêu lên một số những sở thích của mình hoặc làm nổi bật tính cách của bản thân, và nên nhớ phải tập trung vào lĩnh vực công việc mà bạn đang ứng tuyển. Phần này chỉ nên chiếm một đoạn nhỏ trong CV, đừng nên viết quá dài thay vào đó hãy tập trung những ý chính về phẩm chất cũng như tính cách của bạn.

Giới thiệu mục tiêu nghề nghiệp của bản thân

Bên cạnh phần thông tin cơ bản, bạn cần trình bày một đoạn giới thiệu về mục tiêu của bản thân. Nội dung trong đoạn này bạn sẽ bao gồm về nghề nghiệp của mình, nêu những mục tiêu công việc và những định hướng trong tương lai. Thông thường nhà tuyển dụng rất quan tâm đến mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên, bởi họ sẽ biết được bạn là ai, bạn có những kế hoạch trong tương lai như thế nào, qua đó họ sẽ cân nhắc xem bạn có phù hợp với vị trí công việc đang ứng tuyển hay không.

Mục tiêu nghề nghiệp đừng nên trình bày quá dài, tốt nhất là ứng viên nên viết một cách ngắn gọn, súc tích, chứa đầy đủ nội dung và thể hiện được những vấn đề mà nhà tuyển dụng quan tâm. Người phỏng vấn chỉ lướt qua 3 giây để đọc mục tiêu của bạn, thế nên một nội dung dài dòng sẽ khiến họ mất tập trung và không biết được ý chính mà bạn đang đề cập.

Nêu bật được những kỹ năng làm việc của bạn

Trong phần này bạn nên nêu rõ hai vấn đề mà nhà tuyển dụng quan tâm đó là trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc. Kỹ năng và kinh nghiệm làm việc là một nội dung được mọi nhà tuyển dụng quan tâm nhất khi đọc qua CV của các ứng viên. Thông qua những thông tin này, họ sẽ biết được ứng viên của mình có những tố chất hay năng lực gì phù hợp với công việc. Ở phần này, bạn nên trình bày đầy đủ kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, các hoạt động đã tham gia cũng như công việc đã làm ở các công ty trước.

Kỹ năng chuyên môn sẽ cho nhà tuyển dụng biết được trình độ chuyên môn của bạn và bạn có đủ kiến thức để đảm nhận công việc đang ứng tuyển hay không. Đối với kỹ năng mềm, bạn nên trình bày một số những kỹ năng nổi bật của bản thân, chẳng hạn kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, kỹ năng ngoại ngữ và máy tính tốt hay có tinh thần cầu tiến và trách nhiệm trong công việc. Bên cạnh đó, đề cập về công việc mình đã từng đảm nhận giúp bạn chứng minh được rằng mình có năng lực và có kinh nghiệm để hoàn thành tốt công việc tại công ty. Nên nhớ bạn phải trình bày một cách cụ thể, rõ ràng và liên quan đến vị trí công việc bạn đang ứng tuyển ở phần giới thiệu bản thân trong CV. Tránh trường hợp kể lan man, không có trọng tâm khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

Author: RSsession